Mẹ biết không, bầu ngực cũng là bộ phận quan trọng mà mẹ cần chăm chút kỹ càng khi cho con bú. Nhiều dẫn chứng đã chỉ ra rằng, nếu mẹ không biết cách chăm sóc và vệ sinh sẽ dẫn đến các tổn thương nặng và ảnh hưởng rất nhiều đến việc cho con bú, thậm chí có nhiều mẹ còn bị viêm vú.
Hướng dẫn chăm sóc bầu ngực khi cho con bú
Chăm sóc núm ti
Núm ti không đòi hỏi phải có chế độ chăm sóc đặc biệt. Mẹ chỉ cần nhớ tráng nước sạch sau mỗi lần tắm và lau cho thật khô.
Mẹ cũng không nên bôi xà phòng hoặc dùng dung dịch diệt khuẩn cao trên vùng ngực, việc này sẽ dẫn đến da bị khô và làm nứt núm ti
Sau khi cho con bú, mẹ có thể nhỏ một vài giọt sữa mẹ và xoa lên quầng vú sau đó để tự khô. Nếu mẹ thấy vùng này da quá khô và bị nứt, thì nên xoa kem chuyên dùng cho ti mẹ xung quanh vùng quầng vú và núm vú.
Mẹ hãy để cho núm vú của mình được tiếp xúc nhiều với không khí. Việc dùng miếng lót sữa và áo lót ngực bằng sợi tổng hợp sẽ gây thoát khí kém.
Nếu mẹ không vệ sinh, lâu dần núm ti sẽ xuất hiện cặn sữa rồi hình thành mụn đầu trắng có thể gây tắt tia, lúc này cần can thiệp y tế ( tại nhà hoặc đi bác sĩ).
Chăm sóc bầu ngực
Tốt nhất là mẹ hãy chọn cho mình một cái áo lót thoải mái riêng để cho bú, cả ngày lẫn đêm trong những tuần đầu. Một cái áo lót quá chật có thể làm tắc các ống dẫn sữa.
Cho con bú đúng cách sẽ không gây đau đớn, nếu mẹ thấy đau thì #ib Phú
Trước và sau khi cho bé bú, mẹ có thể dùng khăn mềm và nước ấm để vệ sinh vú.
Các vấn đề khi cho con bú
Đau rát ở núm vú
Triệu chứng: Sau khoảng 6 – 7 lần cho bú, các đầu vú có hiện tượng bị đau khi bé mút vào núm vú. Cảm giác đau có thể tăng dần trong 3 – 4 ngày tiếp theo.
Nguyên nhân: Đầu vú là nơi rất nhạy cảm với một mạng lưới thần kinh cảm giác rất phong phú. Khi bé mút đầu vú đã tạo ra áp lực kéo lớn trong một thời gian dài tác động lên hai đầu vú, gây hiện tượng đau rát.
Khắc phục: Mẹ không nên quá lo lắng vì đây chỉ là một hiện tượng bình thường. Với những biện pháp xoa bóp nhẹ nhàng hai đầu vú, mẹ sẽ thấy quen dần. Mẹ cũng không nên vì sợ đau mà không tiếp tục cho bé bú mẹ.
Bầu vú rỉ sữa
Triệu chứng: Ngực mẹ bị rỉ sữa giữa các cữ bú. Hiện tượng này có thể xuất hiện trong những tuần đầu tiên khi mẹ bắt đầu cho bé bú.
Khắc phục: Cách khắc phục hiện tượng này rất đơn giản. Mẹ hãy đặt những tấm vải lót (thường là vải xô) phía trong áo lót để thấm hút lượng sữa bị rỉ ra. Tuy nhiên việc thay đổi liên tục những tấm vải lót này là rất cần thiết vì sữa ẩm ướt gần bên da có thể làm mẹ bị hăm.
Nếu mẹ bị rỉ sữa quá nhiều, mẹ có thể cân nhắc đến việc dùng một cái chụp vú hoặc cốc hứng sữa.
Cách phòng ngừa: Không có cách nào để phòng ngừa hiện tượng này. Tuy nhiên mẹ có thể mừng vì việc rỉ sữa chứng tỏ mẹ có lượng sữa rất dồi dào và mẹ cũng sẽ tránh được nguy cơ bị tắc sữa.
Núm vú đau và nứt nẻ (nứt cổ gà)
Triệu chứng: mẹ sẽ thấy đau đầu vú mỗi khi cho bé bú (thậm chí có thể là đau nhói khi bé mút vào). Vùng da quanh bầu ngực có thể sẽ bị tấy đỏ.
Khắc phục: Luôn giữ cho núm vú khô sau mỗi lần cho bé bú. Mẹ có thể sử dụng máy sấy tóc để hong khô.
Mỗi ngày, mẹ có thể dành vài giờ để núm vú được tiếp xúc với không khí. Mẹ có thể đặt một cái chụp vú lên đầu vú bên trong áo lót để giữ không khí lưu thông.
Mẹ cần phải lưu ý đến các hướng dẫn cách cho bé bú đúng và thay đổi những thói quen sai lầm. Cần để áp lực bú tác động đều lên mọi vùng của quầng vú.
Khi bị đau, mẹ cần nặn sữa bên bầu vú đau đúng một ngày. Mẹ có thể lấy vài giọt sữa mẹ thoa lên chỗ nứt cho mau lành.
Khi mẹ cảm nhận được lượng sữa đã cạn thì hãy dừng ngay việc cho bé bú (dù chỉ thêm 1, 2 phút).
Thông thường thì nứt núm vú sẽ tự khỏi nhưng cũng có trường hợp, núm vú bị nhiễm nấm, miệng bé có tưa dày màu vàng. Lúc đó mẹ và bé có thể đến bác sỹ để điều trị (điều trị cho cả mẹ và con).
Cách phòng ngừa: Học cách cho bé bú đúng tư thế là một biện pháp tốt để phòng ngừa nứt cổ gà.
Mẹ cũng cần lưu ý việc giữ khô đầu vú giữa các cữ bú.
Mẹ cũng có thể sử dụng kem chiết xuất từ hoa cúc hay một loại thuốc xịt sát trùng để làm dịu những cơn đau ban đầu.
Ống dẫn sữa bị tắc
Triệu chứng: Trong lúc mát xa ngực mỗi ngày, nếu mẹ thấy có một khối u cứng trên ngực, kèm theo hiện tượng đau và đỏ thì rất có thể một trong những ống dẫn sữa của mẹ đã bị tắc.
Khắc phục: Chườm vú bằng nước nóng và xoa tròn từ chỗ tắc đi dần về phía núm vú. Sau đó mẹ có thể tiếp tục cho bé bú. Nếu vú bị căng tức nhiều thì có thể vắt bớt một ít sữa cho đỡ đau và giúp bé ngậm vú được.
Có thể cho bé bú ở những tư thế khác nhau trong các bữa bú (bú nằm, tư thế dưới cánh tay…), và cho bé bú thêm cả ở bên vú không bị đau.
Khi ống dẫn sữa đã thông, mẹ sẽ không còn cảm giác đau nhói nữa. Tuy nhiên nếu ống vẫn chưa thông, mẹ cần phải đi khám bác sĩ hoặc sử dụng dịch vụ thông tia.
Ngoài ra mẹ có thể chườm một viên đá lạnh vào ngực trước khi cho bé bú. Đá lạnh với vai trò là chất gây tê sẽ giúp mẹ giảm cảm giác đau khi cho bé bú.
Cách phòng ngừa: Áo lót chặt là một trong những nguyên nhân phổ biến gây tắc ống dẫn sữa. Mẹ nên cho bé bú rỗng một bên vú rồi hãy đổi bên, nếu bé bú không hết mẹ nên vắt hoặc dùng máy hút sữa hút kiệt. Lecithin là một lựa chọn hữu ích cho mẹ. Ngoài ra, mẹ nên cần lưu không nên đè mạnh lên mô vú khi mẹ cho bé bú hay nặn sữa.
Viêm vú
Triệu chứng: Trong trường hợp một trong những ống dẫn sữa của mẹ bị tắc, và gây nhiễm trùng. mẹ có thể thấy xuất hiện những triệu chứng giống như cảm cúm. Viêm vú nếu không được chữa trị còn có thể gây ra áp xe vú – một căn bệnh đòi hỏi phải tiểu phẫu.
Khắc phục: mẹ cần uống kháng sinh theo đúng chỉ định của bác sĩ. Trong thời gian dùng thuốc, mẹ hoàn toàn có thể cho bé bú bình thường.
Cách phòng ngừa: Mẹ cần đi bác sĩ ngay khi phát hiện ra khối u trong ngực gây đau nhức.
Trường hợp của mẹ, có thể bị dị ứng do áo ngực chật và ẩm ướt, mẹ nên mặc áo rộng bằng chất vải mềm và thoáng, đồng thời mẹ cần lưu ý vấn đề vệ sinh đầu vú trước và sau khi cho bé bú. Mẹ nên mặc áo phông mềm mại và đặt một tấm khăn mỏng dưới ngực trong khi mẹ ngủ để giữ cho cơ thể được khô ráo cả đêm. Khăn sẽ giúp hút lượng sữa tự động chảy ra trong khi mẹ ngủ.
Mẹ tuyệt đối không được sử dụng bất kỳ loại kem hay thuốc mỡ nào ngoài mỡ cừu tinh khiết để bôi lên đầu vú trừ khi mẹ đã lau kỹ chúng trước khi cho bé bú.
Nếu mẹ bị đau, nứt nẻ hay chảy máu đầu vú, hoặc mẹ thấy xuất hiện một số nốt trắng ở đầu vú, hoặc trên miệng bé, hãy đến bác sĩ ngay lập tức.
Về tớ
Một bà mẹ 3 con với nỗi đau từng tự ti ngực bé, sợ không đủ sữa cho con bú nên cho con dùng sữa công thức từ đầu, thành ra con dễ bị bệnh vặt và dùng đến kháng sinh. Mỗi lần sinh con, chăm con là một bài học và trải nghiệm lớn lao, tớ muốn chia sẻ những điều mình biết, mình học, mình phạm phải và kết quả đều những bà mẹ khác nuôi con bằng sữa mẹ thành công.
Trang cá nhân: https://www.facebook.com/ndaiphu
Fanpage: https://www.facebook.com/NguyenDaiPhu.bebe
Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCj_vx-BZJQFJQFZBVuj__mw